Trong nhiều trường hợp, trước khi niềng răng, bác sĩ thường sẽ không tiến hành gắn mắc cài ngay mà phải qua một bước nữa là đặt thun tách kẽ. Có nhiều người thắc mắc rằng: Thun tách kẽ là gì? Có đau không? Thời gian đặt thun trong bao lâu? Khi đặt thun tách kẽ cần lưu ý gì không? Tất cả những câu hỏi trên sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.
Mục lục
- Thun tách kẽ răng là gì?
- Có mấy loại thun tách kẽ?
- Quy trình đặt thun tách kẽ răng
- Thời gian đeo thun tách kẽ là bao lâu? Có đau không?
- Cách giảm đau khi đeo thun tách kẽ
- Một vài lưu ý khi đeo thun tách kẽ răng
- Cách xử lý khi bị tuột thun tách kẽ
- Làm gì khi không may nuốt phải thun tách kẽ?
- Niềng răng không đặt thun tách kẽ được không?
Thun tách kẽ răng là gì?
Thun tách kẽ (tiếng anh là Orthodontic separators) là những miếng cao su hình tròn hoặc những thanh kim loại hình chữ L gắn vào kẽ các răng số 5, 6, hoặc 7. Mục đích khi đặt thun tách kẽ là nới rộng khoảng cách giữa các răng hàm để đặt khâu (band) niềng răng, phục vụ cho quá trình niềng răng sau này.
Thun tách kẽ này thường được đặt vào vị trí khe giữa các răng hàm. Nếu khoảng trống giữa 2 răng không đủ, răng quá sát nhau không thể gắn khâu vào thì đặt thun tách kẽ là điều rất cần thiết.
Có mấy loại thun tách kẽ?
Có 2 loại thun tách kẽ là thun chất liệu cao su và thun tách kẽ kim loại. Thun cao su được sử dụng phổ biến nhất trong các nha khoa.
Thun cao su
Như tên gọi, thun này được làm từ chất liệu cao su an toàn, lành tính với môi trường khoang miệng.
Loại thun này có kích thước khoảng 1mm và hơi cứng. Khi được đặt vào trong kẽ răng, thun cao su sẽ cùng lực đàn hồi tự nhiên đẩy 2 răng cách xa nhau, tạo khoảng cách cần thiết. Khi khe hở này đủ rộng, thun tách kẽ sẽ tự rơi ra ngoài.
Thun kim loại
Vì được đặt trong miệng nên chất liệu hoàn toàn an toàn, không gây kích ứng. Loại thun này có hình chữ L, bên trong có ít lớp lò xo. Khi đạt được khoảng trống cần thiết, thun cũng sẽ tự động rơi ra ngoài. Tuy nhiên, thun tách kẽ kim loại có thể gây ra những tổn thương cho má, môi, nướu, lưỡi cao hơn so với thun cao su. Cũng chính vì lý do này mà thun tách kẽ kim loại không được sử dụng phổ biến trong các nha khoa.
Sau khoảng thời gian đeo thun theo chỉ định, bác sĩ sẽ kiểm tra lại và bắt đầu gắn khâu. Khâu niềng răng là vòng tròn kim loại thiết kế vừa khít với kích thước của răng hàm. Mục đích là để giữ chắc dây cung, điều chỉnh lực phù hợp lên răng, giúp răng dịch chuyển theo đúng phác đồ điều trị.
Quy trình đặt thun tách kẽ răng
Kỹ thuật này không có gì quá phức tạp cũng như không làm tốn quá nhiều thời gian của bạn. Thường sẽ có 2 cách đặt thun tách kẽ trong răng.
Cách 1: Dùng chỉ nha khoa
- Bước 1: Lấy một đoạn chỉ nha khoa vừa đủ, sau đó xỏ qua thun tách kẽ
- Bước 2: Gập đôi đoạn chỉ nha khoa đã xâu thun lại
- Bước 3: Xâu đoạn chỉ nha khoa đó vào giữa khe răng cần đặt thun tách kẽ
- Bước 4: Kéo chỉ nha khoa cho tới khi thun tách kẽ nằm giữa 2 răng
- Bước 5: Rút chỉ nha khoa ra hỏi răng
Cách này nếu áp dụng cho loại thun tách kẽ cao su sẽ dễ dàng hơn.
Cách 2: Dùng kìm nha khoa
- Bước 1: Dùng kìm phân tách nha khoa kẹp vào 2 đầu của thun tách kẽ
- Bước 2: Kéo giãn thun tách kẽ về 2 phía để dây thun mỏng hơn, luồn lách vào khe răng dễ dàng
- Bước 3: Nhẹ nhàng luồn thun vào giữa kẽ răng là hoàn thiện
Toàn bộ quá trình này chỉ mất khoảng 2 – 3 phút là hoàn thành, rất nhanh chóng.
Thời gian đeo thun tách kẽ là bao lâu? Có đau không?
Thời gian đặt thun tách kẽ thông thường sẽ kéo dài khoảng 1 – 2 tuần, tùy vào cơ địa từng người, răng tách ra có nhanh hay không.
Vậy đặt thun tách kẽ có đau không? Cảm giác như thế nào? Chắc hẳn đây là băn khoăn của rất nhiều người khi chuẩn bị niềng răng.
Trên thực tế, khi có bất kì vật thể lạ nào trong miệng cũng sẽ gây cảm giác vướng víu, khó chịu. Cơn nhức sẽ xuất hiện khi răng bắt đầu dịch chuyển. Lúc này, thun tách kẽ liên tục tạo lực đẩy, ép răng di chuyển với tốc độ nhanh.
Cảm giác này sẽ kéo dài trong vài ngày đầu tiên và mất dần ở những ngày sau, khi bạn đã quen với cảm giác có thêm khí cụ trong khoang miệng. Thời gian và mức độ đau sẽ còn phụ thuộc vào từng tình trạng răng và cơ địa của mỗi người. Có người các răng quá sát nhau, nên khi thun tách kẽ tạo lực sẽ cảm thấy đau hơn bình thường. Nhưng cũng có người lại rất nhẹ nhàng, việc đặt thun chỉ mang lại cảm giác hơi ê răng một chút.
Sự vướng víu, khó chịu sẽ nhiều hơn là đau. Bạn tưởng tượng thun tách kẽ giống như một miếng thức ăn bị kẹt lại trong kẽ răng mà không lấy ra được. Tuy nhiên, đừng vì như vậy mà bạn cố gắng đẩy lưỡi cho đến khi thun bị rơi ra. Hãy cố gắng trong vài ngày, nếu không hành động này của bạn sẽ vô tình làm kéo dài thêm thời gian đặt thun tách kẽ. Việc này đồng nghĩa bạn sẽ phải chịu đựng sự khó chịu này thêm nhiều ngày nữa. Không những vậy, nó còn có thể ảnh hưởng tới cả quá trình cũng như kết quả niềng răng sau này.
Cách giảm đau khi đeo thun tách kẽ
Uống thuốc giảm đau
Nếu đau và khó chịu quá, bạn có thể dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên bạn nên hỏi bác sĩ về loại thuốc trước khi sử dụng. Và tránh lạm dụng thuốc, nếu không sẽ có hại cho sức khỏe và sau này thuốc sẽ không còn nhiều tác dụng nữa.
Chườm đá
Nếu không muốn uống thuốc giảm đau, bạn có thể dùng ít đá lạnh bọc trong một chiếc khăn sạch và chườm nhẹ vào bên má bị nhức. Nhiệt độ lạnh từ đá sẽ giúp gây tê, làm giảm cảm giác đau nhức tạm thời cực hữu hiệu. Lưu ý là đừng ngậm đá lạnh trực tiếp vào khoang miệng vì khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh như vậy làm cho răng càng đau hơn, thậm chí là bị bỏng lạnh.
Súc miệng bằng nước muối ấm
Một cốc nước muối ấm sẽ giúp bạn dễ chịu hơn trong những ngày đầu đặt thun tách kẽ. Lưu ý không nên cho quá nhiều muối vì nếu súc miệng liên tục như vậy sẽ gây khô miệng, khó chịu. Nên cho lượng muối vừa phải, pha loãng cùng nước ấm. Ngậm trong miệng khoảng 1 phút. Cơn đau sẽ dịu đi tức thì.
Một vài lưu ý khi đeo thun tách kẽ răng
Chế độ ăn uống hợp lý
Khi đặt thun tách kẽ, thời gian đầu chắc chắn sẽ có cảm giác khó chịu nên việc bạn ăn uống hợp lý cũng sẽ góp phần giảm cảm giác đó. Bạn nên ăn những món ăn nhẹ nhàng, không cần dùng quá nhiều sức khi nhai như súp, cháo, bún, miến,… Tránh các đồ ăn quá dai, dẻo, dính, vì như thế sẽ chỉ càng làm cho sự vướng víu trong miệng tăng gấp bội thậm chí còn khó chịu hơn.
Cách chăm sóc răng miệng
Cách để chăm sóc răng miệng khi đặt thun tách kẽ cũng không quá khó khăn. Tuy nhiên để tránh trường hợp bị rớt thun, đứt thun, bạn cần lưu ý:
- Chải răng thật nhẹ nhàng theo vòng tròn
- Súc miệng bằng nước muối loãng hoặc nước súc miệng chuyên dụng sau khi chải răng sạch sẽ
- Không được dùng chỉ nha khoa, máy tăm nước ở vị trí đang gắn thun tách kẽ
Đọc thêm: Bs. Đức AAO hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng khi niềng răng
Cách xử lý khi bị tuột thun tách kẽ
Nếu trong quá trình ăn uống không may bị tuột thun tách kẽ thì việc bạn cần làm là liên hệ với nha khoa và tới thăm khám để bác sĩ kiểm tra lại tiến độ đặt thun.
Làm gì khi không may nuốt phải thun tách kẽ?
Nếu không may nuốt phải thun tách kẽ thì điều bạn cần làm đầu tiên là tới bệnh viện nêu rõ tình hình với các bác sĩ và được tiến hành gắp thun đã buốt phải ra.
Bạn nên tới nha khoa kiểm tra thun định kỳ để có thể xử lý kịp thời những tình huống có thể xảy ra như trên. Tránh cho tình trạng biết là thun lỏng nhưng vì lười, ngại đi xa,…mà không tới nha khoa xử lý ngay.
Vì thun tách kẽ khá nhỏ nên bạn cần hết sức lưu ý khi sử dụng. Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về cách ăn uống và vệ sinh răng miệng. Ngay khi thấy dấu hiệu bất thường thì hãy liên hệ ngay với nha khoa.
Bạn cũng nên tới tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ theo dõi được tiến độ tách kẽ như thế nào và có những điều chỉnh nếu kẽ răng gần đạt được độ rộng nhất định để tránh cho thun tách kẽ bị rơi khỏi răng.
Niềng răng không đặt thun tách kẽ được không?
Thun tách kẽ có lẽ là thử thách niềng răng đầu tiên mà bạn phải trải qua. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần tách kẽ.
Một số trường hợp không cần phải đặt thun tách kẽ là:
- Răng thưa, đủ khoảng trống để đặt khâu niềng răng thì sẽ không cần tới thun tách kẽ nữa.
- Nếu bạn không muốn đặt thun tách kẽ thì bác sĩ sẽ tìm giải pháp thay thế là cắm minivis trực tiếp vào xương hàm. Chiếc vít này sẽ đóng vai trò là điểm tì để tạo lực kéo cho cả hệ thống mắc cài. Lúc này, việc đặt thun tách kẽ cũng không cần thiết nữa.
Như vậy, bài viết đã giải đáp chi tiết từng thắc mắc liên quan đến việc đặt thun tách kẽ khi niềng răng. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Nếu bạn bắt đầu đeo thun tách kẽ thì hãy ghi nhớ những điều nên làm và không nên làm để giai đoạn này diễn ra thoải mái và dễ chịu nhất.
Tìm hiểu thêm về các phương pháp niềng răng: