Chẩn đoán chính xác nguyên nhân thoái hóa khớp là yếu tố tiên quyết để đưa ra hướng điều trị và phòng ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn. Cùng chúng tôi tìm hiểu các nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh thoái hóa khớp nhé!
Khớp nào dễ thoái hóa nhất
Những người bị thoái hóa khớp thường có những biểu hiện: đau khớp khi vận động và cứng khớp sau khi nghỉ ngơi quá lâu (không có khả năng di chuyển dễ dàng). Các khớp dễ bị thoái hóa nhất bao gồm:
- Thoái hóa khớp bàn tay (đầu ngón tay và ở gốc và đầu ngón tay cái)
- Thoái hóa khớp gối
- Thoái hóa khớp háng
- Thoái hóa đốt sống cổ
- Thoái hóa khớp ngón chân
Thoái hóa ở từng khớp khác nhau có thể do những nguyên nhân khác nhau gây ra. Vậy nên trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn đọc những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng thoái hóa khớp.
10 Nguyên nhân thoái hóa khớp thường gặp
1 Tuổi tác
Tuổi tác là nguyên nhân đầu tiên cần được nhắc đến trong tổng hợp các nguyên nhân thoái hóa khớp thường gặp.
Thoái hóa khớp là tình trạng tinh chất sụn bị biến đổi cấu trúc, sụn khớp bị tổn thương, bị bào mòn gây nên tình trạng viêm và làm giảm dịch nhày bôi trơn giữa các khớp và các mô trong khớp bị phá vỡ theo thời gian, các mảnh sụn bị nứt, vỡ và rơi vào trong ổ khớp gây ra triệu chứng đau.
Theo thời gian, các cơ quan trong cơ thể đều phải đối mặt với lão hóa, và hệ thống xương khớp cũng không tránh khỏi được điều này.
Sự lão hóa của hệ thống xương khớp diễn ra như sau:
- Sụn khớp bị bào mòn, bị phá hủy, suy giảm dịch nhờn bôi trơn khớp khiến cho hai đầu xương cọ xát vào nhau.
- Khi tuổi càng cao thì tế bào sụn không có khả năng tự sinh sản và tái tạo nữa. Chức năng tổng hợp chất để tạo nên các sợi mucopolycaccaride và collagen của tế bào sụn bị suy giảm nên các mô khớp hoặc mô sụn cũng suy yếu đi theo thời gian.
- Sự đàn hồi của dây chằng, gân cũng kém đi khiến cho các khớp kém linh hoạt, xảy ra tình trạng đau khớp, cứng khớp
- Xương bắt đầu xốp, giòn, dễ gãy, dễ đau nhức, dễ bị chấn thương
Theo nghiên cứu thì tình trạng thoái hóa khớp phổ biến nhất ở độ tuổi 60 và bắt đầu khi chúng ta bước vào độ tuổi 35-40 là đã có thể gặp tình trạng thoái hóa khớp rồi. Tuy nhiên thì thời gian gần đây, bệnh xương khớp nói chung và thoái hóa khớp nói riêng đang có xu hướng trẻ hóa do tính chất công việc, hoạt động sai tư thế… ở những người trẻ tuổi. Những ca mắc bệnh thoái hóa khớp ở độ tuổi trung niên lẫn trẻ tuổi ngày càng tăng cao.
Đọc thêm: Đau nhức xương khớp ở người già là do những vấn đề nào?
2. Di truyền
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, di truyền là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị thoái hóa khớp. Gen di truyền làm tăng độ nhạy cảm của khớp. Nếu như các thành viên trong gia đình của bạn như ông bà, cha mẹ hay anh chị em… có tiền sử mắc bệnh thoái hóa khớp thì nguy cơ bản thân bạn mắc phải căn bệnh này là khá cao.
3, Thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe trong đó có sức khỏe xương khớp. Bên cạnh tuổi tác thì béo phì cũng khiến cho tình trạng thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn. Cụ thể như sau:
- Béo phì tăng áp lực đến các khớp nhất là vùng lưng, hông, háng, đầu gối và bàn chân. Áp lực này lớn hơn gấp 2 – 3 lần mỗi khi chúng ta chạy bộ hay đi xuống cầu thang. Tình trạng này kéo dài khiến cho hệ thống này phải chịu một áp lực lớn hơn nhiều lần mức cho phép, dẫn đến tình trạng sụn và xương bị hao mòn, phá hủy nhanh hơn.
- Phần cân nặng dư thừa do béo phì sản xuất ra các protein gọi là cytokine gây viêm khắp cơ thể. Các cytokine làm thay đổi chức năng các tế bào sụn gây phá hủy mô. Khi cân nặng càng nhiều thì cơ thể càng sản sinh ra nhiều protein.
- Hơn nữa, thừa cân, béo phì còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu cao sẽ làm cho sụn cứng hơn và dễ bị tổn thương hơn khi có áp lực đè lên. Ngoài ra, tiểu đường còn gây viêm nhiễm dẫn đến mất sụn khớp.
Vì vậy, giảm cân nếu bị thừa cân có thể làm giảm áp lực lên khớp cũng như nguy cơ viêm khớp, và đồng thời làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ bị thoái hóa khớp.
4, Ngồi sai tư thế
Ngồi sai tư thế cũng là một trong những nguyên nhân gây thoái hóa khớp đặc biệt là khớp cột sống lưng và cổ. Thói quen ngồi học hay làm việc cúi người về phía trước sẽ dễ khiến cho bạn bị còng lưng. Không giữ cơ thể ở tư thế thẳng sẽ gây áp lực lên cột sống, cột sống bị đè nén gây đau nhức mỏi vùng lưng, cổ và làm cho quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn. Tình trạng này kéo dài còn có thể làm cho cột sống bị biến dạng, gây cong vẹo cột sống.
Ngoài ra, việc ngồi liên tục không nghỉ ngơi, không thay đổi tư thế thường xuyên, nằm hoặc ngồi lâu một chỗ, không nghỉ ngơi thư giãn cũng khiến các cơ, khớp bị căng cứng, đau nhức. Lâu ngày gây ra thoái hóa khớp.
Giữ tư thế cơ thể thẳng, cân bằng sẽ giúp bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối và lực đè ép vào khớp sẽ tối thiểu. Khi cơ thể giữ được tư thế cân bằng còn giúp cho phần dây chằng, cơ bắp quanh khớp cũng chịu lực cân bằng, giúp giảm bớt nhiều nhất lực đè ép lên hai mặt sụn khớp.
5, Do đặc thù công việc
Những người làm việc thường xuyên phải đứng, ngồi lâu một tư thế trong thời gian dài sẽ gây áp lực lớn lên sụn khớp và đĩa đệm, làm cho phần sụn khớp bị tổn thương, từ đó làm giảm khả năng chịu lực, lâu dần xương khớp yếu đi và rất dễ bị thoái hóa, gây đau và cứng khớp.
Những người phải lao động chân tay, lao động nặng, thường xuyên mang vác có nguy cơ bị bệnh về xương khớp cao hơn những người khác. Bởi vì khi làm những công việc này sẽ làm tăng áp lực lên các khớp, khiến sụn bị tổn thương nhanh hơn và nhiều hơn, theo thời gian, các khớp có thể bị biến dạng, gây đau đớn.
Các khớp ở bàn tay, đầu gối và khớp háng là những khớp thường bị ảnh hưởng của thoái hóa khớp.
Khi làm việc nặng bạn cần chú ý sử dụng các khớp lớn như: ở tay là khớp vai, khớp khuỷu; ở chân là khớp háng, khớp gối để tránh làm tổn thương các khớp nhỏ như cổ tay, cổ chân, bàn tay, bàn chân và nên sử dụng công cụ hỗ trợ để tránh áp lực nặng đến các khớp.
6, Chấn thương
Ngoại lực tác động trực tiếp lên sụn khớp cũng chính là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh thoái hóa khớp. Chấn thương sẽ làm cho sụn rất khó lành và tăng nguy cơ dẫn đến thoái hóa khớp. Thậm chí chỉ là những chấn thương nhỏ như gãy xương và trật khớp cũng có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Chấn thương có thể là những tổn thương không may mà chúng ta gặp phải trong quá trình tập thể dục, chơi thể thao hoặc cũng do những công việc lao động chân tay, bê vác… Những chấn thương có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp có thể kể đến là: sụn khớp bị vỡ, bị rách, chấn thương dây chằng, trật khớp, sưng khớp.
Theo các bác sĩ thì các chấn thương này sẽ làm quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn, nhất là các chấn thương ở vùng gối hay lưng. Đây cũng là nguyên nhân chính của các trường hợp người trẻ tuổi bị thoái hóa khớp.
Hãy cố gắng tránh những chấn thương xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Đó là điều quan trọng cần phải làm để bảo vệ sức khỏe xương khớp của bạn.
7, Ít vận động, tập thể dục
Theo một thống kê đáng tin cậy, những người ít thể dục thể thao, hoạt động thể chất không đầy đủ có nguy cơ bị bệnh xương khớp cao hơn 54% những người hoạt động đầy đủ.
Lười vận động, không hoạt động thể chất trong thời gian dài làm cho hệ thống xương khớp không được linh hoạt, các khớp bị cứng và tăng nguy cơ mắc bệnh về xương khớp cụ thể là thoái hóa khớp.
Bên cạnh đó, ít vận động cũng làm máu tuần hoàn đến khớp kém hơn, khi đó sụn khớp không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng sẽ khiến cho bề mặt sụn bị trở nên khô sần, bong tróc. Sự tổn thương này làm cho bệnh thoái hóa khớp tiến triển nhanh hơn, là nguyên nhân gây đau đớn cho các khớp xương.
Ngoài ra, không tập thể dục thể thao còn gây ra một số vấn đề sức khỏe như béo phì, tim mạch, tiểu đường,… đây đều là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau khớp, thoái hóa khớp.
Vì vậy, chúng ta cần thường xuyên thực hiện các hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên để giúp
- Kiểm soát cân nặng
- Hạ đường huyết
- Cơ bắp khỏe mạnh, máu huyết lưu thông dễ dàng giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động bạn cần tập luyện vừa sức, tránh tập luyện quá sức sẽ gây tác dụng ngược khiến cho sụn khớp nhanh chóng bị tổn thương và quá trình thoái hóa khớp sẽ đến sớm hơn.
8, Do các bệnh lý
Một số bệnh lý như: tiểu đường, bệnh gút, loãng xương… là những bệnh lý dẫn đến hệ lụy là thoái hóa xương khớp.
Bên cạnh đó, khi bị bệnh, người bệnh phải sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa cột sống sớm hơn.
9, Dị dạng khớp bẩm sinh
Nhiều nghiên cứu cho thấy, dị dạng khớp bẩm sinh là một trong những nguyên nhân gây thoái hóa khớp. Các khớp bị biến dạng, có thể bị cong theo hình chữ O hoặc chữ C, tùy thuộc vào mức độ thoái hóa. Người bệnh sẽ đi lại khó khăn và gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống hàng ngày.
10, Cơ thể thiếu dưỡng chất
Thiếu dưỡng chất dinh dưỡng cần thiết sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể. Với các bệnh xương khớp và cụ thể là thoái hóa khớp có thể là do cơ thể bổ sung thiếu Canxi và Vitamin D – dưỡng chất cần thiết cho xương khớp chắc khỏe.
Vì vậy, ngày nay các bé sơ sinh cũng đã được khuyến cáo bổ sung vitamin D đầy đủ để tránh nguy cơ mắc bệnh còi xương và một số hệ lụy liên quan đến hệ thống xương khớp như: chậm phát triển, cột sống bị cong vẹo, biến dạng xương…
Với những đối tượng như phụ nữ sau sinh, phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh cơ thể bị thiếu hụt lượng lớn canxi nên cũng là những đối tượng dễ bị thoái hóa khớp nếu không được bổ sung Canxi kịp thời.
Ngoài ra, những người có lối sống không lành mạnh, thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích… cũng khiến cho hệ xương khớp giảm độ chắc khỏe, tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
Dù là bạn bị thoái hóa khớp do bất kỳ nguyên nhân nào đi nữa thì cũng đều gặp phải những triệu chứng khó chịu gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và công việc của người bệnh như: biểu hiện viêm, đau, cứng khớp…. Nguy hiểm hơn là nếu như không phát hiện và điều trị bệnh kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ bị tàn phế suốt đời. Vì vậy, theo các chuyên gia xương khớp, để tránh nguy cơ mắc bệnh cũng như cải thiện bệnh thoái hóa khớp thì chúng ta cần phải lưu ý đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ sụn khớp và xương dưới sụn đúng cách ngay từ khi còn trẻ.
Biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là bệnh lý ai cũng phải trải qua nhưng nếu chúng ta có biện pháp phòng ngừa từ sớm thì quá trình thoái hóa sẽ diễn ra chậm hơn so với những người không phòng ngừa. Hoặc với những người đã bị thoái hóa thì những biện pháp dưới đây sẽ giúp người bệnh có thể kiểm soát được bệnh không tiến triển thành những biến chứng nguy hiểm.
- Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý: Chế độ ăn cần bổ sung cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết từ các loại rau xanh và thủy hải sản giàu canxi để xương khớp luôn chắc khỏe, linh hoạt.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng sức đề kháng cho cơ thể và cải thiện tình trạng xương khớp.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… để giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa và các bệnh xương khớp khác.
- Trong quá trình chơi thể thao, tập luyện thể dục nên chọn các bài tập vừa sức để tránh ảnh hưởng đến các khớp cũng như giảm nguy cơ bị chấn thương.
- Tiến hành kiểm tra xương khớp định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Kết luận
Tuy thoái hóa khớp không phải là căn bệnh nguy hiểm gây đe dọa đến tính mạng của người bệnh nhưng bệnh hoàn toàn không có cách chữa khỏi triệt để. Nếu bệnh không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và sức khỏe của bệnh nhân. Việc tìm hiểu các nguyên nhân thoái hóa khớp rất quan trọng, từ đây bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác được bệnh và đưa ra phương pháp điều trị đúng, hợp lý. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dựa vào đó để có phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả, làm chậm quá trình thoái hóa khớp.