Trong bài viết này, bạn sẽ biết được:
- Tại sao mụn lại xuất hiện trên mặt
- Các loại mụn trứng cá
- Các biện pháp điều trị mụn trứng cá
Mục lục
Nguyên nhân hình thành mụn trứng cá
Mụn trứng cá là một bệnh của nang lông và tuyến bã nhờn, vị trí xuất hiện phổ biến nhất là ở mặt, sau đó là vùng cổ, ngực, lưng và vai.
Mụn trứng cá hình thành từ 4 yếu tố chính bao gồm
- Tăng sản xuất bài tiết của tuyến bã nhờn
- Tăng sừng của biểu mô nang lông
- Sự phát triển của vi khuẩn Propionibacterium acnes trên da
- Phản ứng viêm
Cụ thể, do ảnh hưởng của rối loạn nội tiết hay một yếu tố nào đó, tác tuyến sản xuất bã nhờn bị kích thích và bài tiết với lượng nhiều hơn, đồng thời thành phần của chất bã nhờn cũng thay đổi, chúng trở nên đặc hơn. Cùng với đó, quá trình đổi mới tế bảo của nang lông bị gián đoạn và lớp sừng trên bề mặt da dày lên. Khi xảy ra sự mất cân bằng vi khuẩn trên da, cụ thể là vi khuẩn Propionibacterium acnes phát triển mạnh hơn nhờ môi trường thuận lợi ở vùng da tăng sừng và nhiều bã nhờn, khiến cho phản ứng viêm xảy ra và hình thành mụn trứng cá.
Sự thay đổi nội tiết tố đóng một vai trò hàng đầu trong việc xuất hiện mụn trứng cá. Sự gia tăng mức độ hormone sinh dục nam (androgen) kích thích sự sản xuất dư thừa của các tuyến bã nhờn. Đó là lý do tại sao mụn trứng cá phổ biến hơn ở nam giới so với phụ nữ. Tuy nhiên, trong giai đoạn dậy thì, các bạn gái cũng tăng lượng nội tiết tố nam nên các bạn gái cũng gặp phải tình trạng này. Sự thay đổi nội tiết tố cũng có liên quan đến việc nổi mụn tiền kinh nguyệt.
Ở độ tuổi lớn hơn, mụn trứng cá có thể chỉ ra các vấn đề với hệ thống nội tiết. Khuynh hướng di truyền là quan trọng, vì sự nhạy cảm của tuyến bã nhờn với nội tiết tố androgen và độ hẹp của ống dẫn chất nhờn có thể được di truyền. Các bệnh về nội tiết như tuyến giáp, đa nang buồng trứng ở phụ nữ cũng là nguyên nhân gây mụn trứng cá.
Các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của mụn trứng cá bao gồm:
- Lựa chọn và sử dụng mỹ phẩm không đúng cách. Một số chất được sử dụng trong mỹ phẩm có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông (chúng được gọi là chất gây mụn): lanolin, squalene, lưu huỳnh;
- Sử dụng một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nổi mụn: Thuốc nội tiết tố (thuốc tránh thai); một số loại thuốc khác – steroid, thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc có chứa lithium;
- Căng thẳng quá độ
- Làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với khói bụi, xăng dầu…
- Rửa mặt quá thường xuyên cũng có thể làm trầm trọng thêm tình hình, vì da trở nên quá khô;
- Nặn mụn, thường xuyên chạm tay lên da
- Ăn các loại thực phẩm có chỉ số GI cao.
- Các bệnh về đường ruột (táo bón mãn tính, viêm dạ dày, viêm đại tràng…)
Phân loại mụn trứng cá
Mụn trứng cá chia làm 2 loại:
1. Mụn không viêm
Mụn đầu trắng: Là những nốt mụn nhỏ, li ti trên bề mặt da, có màu trắng, ấn vào không đau.
Mụn đầu đen: Trông như những chấm đen trong lỗ chân lông của da. Các lỗ chân lông tích tụ bã nhờn, tế bào chết của da, vi khuẩn, do lớp trên cùng ở miệng lỗ chân lông tiếp xúc trực tiếp với không khí nên bị oxy hóa, vì vậy bề mặt mụn chuyển thành màu đen.
2. Mụn viêm
Sẩn đỏ: Là những nốt sưng đỏ, không chứa mủ, chạm vào thấy đau.
Mụn mủ: Các nốt mụn nổi lên trên bề mặt da, bên trong chứa mủ, viền mụn có màu đỏ, chạm vào thấy đau. Kích thước mụn phổ biến từ 2-4mm. Nếu mủ không được nặn ra chúng sẽ khô dần và biến thành lớp vảy.
Mụn trứng cá viêm tấy: Đây là dạng mụn tổn thương nghiêm trọng khi các nang lông bị vỡ ở phần sâu trong trung bì da. Các chất bã bẩn từ lỗ chân lông tràn vào trung bì da gây viêm lan rộng và nối tiếp viêm sang nang lông kế cận. Mụn trứng cá viêm tấy là mụn trứng cá mức độ nặng. Nặn mụn viêm tấy rất dễ để lại sẹo.
Mụn nang: Mụn trứng cá nang bọc là tổn thương viêm da kích thước rất lớn. Nó biểu hiện như túi nước lỏng, mềm, bùng nhùng trong phần sâu của da. Đây là mức độ nặng nhất của mụn trứng cá, và nó rất đau. Cũng giống như mụn trứng cá viêm tấy, ở mụn trứng cá nang bọc thành nang lông cũng bị vỡ ở phần sâu. Một lớp màng được hình thành bao xung quanh tổ chức viêm da trong trung bì. Nó phá hủy tổ chức da, phá hủy nang lông. Nguy cơ tạo sẹo rất cao.
Các phương pháp điều trị mụn trứng cá
Mụn trứng cá nhẹ
Trong hầu hết các trường hợp, mụn trứng cá có thể được điều trị bằng nhiều loại thuốc trị mụn không kê đơn (kem dưỡng, kem, gel) có thể mua dễ dàng tại nhà thuốc (tốt nhất bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước khi mua và sử dụng).
Các thành phần phổ biến nhất trong các sản phẩm trị mụn bao gồm benzoyl peroxide , axit azelaic, resorcinol, axit salicylic và lưu huỳnh.
- Benzoyl peroxide tiêu diệt vi khuẩn gây mụn.
- Axit azelaic có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và tiêu sừng.
Resorcinol, axit salicylic và lưu huỳnh , mặc dù ngày nay không được sử dụng rộng rãi như trước đây, nhưng chúng có thể giúp loại bỏ mụn bọc.
Nên thoa các sản phẩm trị mụn mỗi ngày lên vùng da bị mụn sau khi làm sạch da. Nếu da bắt đầu khô và trở nên kích ứng, hãy giảm tần suất thoa kem xuống còn 2-3 lần/ngày.
Mụn trứng cá nghiêm trọng
Nếu tình trạng mụn của bạn không được cải thiện với các phương pháp điều trị không kê đơn hoặc nếu bạn có các dạng mụn nặng hơn, bạn sẽ cần đến gặp bác sĩ. Bác sĩ da liễu có thể đánh giá tình trạng mụn của bạn, xác định xem bạn có đang phát triển sẹo hay không và kê đơn các phương pháp điều trị cụ thể cho loại mụn của bạn.
Trong trường hợp bị mụn trứng cá nghiêm trọng, bác sĩ có thể kết hợp các loại thuốc bôi mụn ở trên với thuốc trị mụn đường uống. Cụ thể:
Kê đơn thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm. Đối với những dạng mụn trứng cá đặc biệt nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc có chứa isotretinoin dạng uống. Tuy nhiên, cần nhớ rằng phương pháp điều trị này có tác dụng phụ. Đặc biệt, nó chống chỉ định với phụ nữ đang mang thai hoặc những người dự định mang thai trong thời gian sắp tới.
Phương pháp điều trị bằng nội tiết tố: Các lựa chọn như thuốc tránh thai và CaroSpir (spironolactone – thuốc kháng androgen) không phải là phương pháp điều trị đầu tiên đối với mụn trứng cá, nhưng chúng có thể có lợi cho những phụ nữ thường xuyên nổi mụn vào khoảng thời gian của chu kỳ hàng tháng hoặc những người bị rối loạn nội tiết tố gây ra mụn trứng cá.
Bên cạnh đó bác sĩ có thể sử dụng thêm một số biện pháp trị liệu khác để đẩy nhanh quá trình trị mụn như:
Điều trị mụn bằng laser: Hiện nay, tia laser chủ yếu được sử dụng để điều trị sẹo mụn. Tia laser truyền nhiệt đến collagen bị sẹo dưới da, điều này dựa vào phản ứng chữa lành vết thương của cơ thể để tạo ra collagen mới, khỏe mạnh. Có nhiều loại tái tạo bề mặt bằng laser khác nhau – mài mòn và không mài mòn. Bác sĩ da liễu sẽ xác định loại nào tốt nhất cho loại da của bạn và tính chất của sẹo mụn.
Điều trị mụn bằng IPL: là một nguồn ánh sáng dạng xung, cường độ mạnh, đa sắc với phổ bước sóng rộng từ 400-470nm tác động vào lớp trung bì da nhằm tiêu diệt vi khuẩn, làm giảm hoạt động của tuyến bã, thu nhỏ lỗ chân lông và cải thiện các tổn thương viêm sâu dưới da.
Peelda: Phương pháp điều trị này sử dụng các hóa chất đặc biệt để loại bỏ lớp da cũ trên cùng. Thông thường, bất cứ khi nào lớp trên cùng bị loại bỏ, lớp da mới mọc lên sẽ mịn hơn và có thể làm giảm sẹo mụn.
Các biện pháp khác:
- Tiêm cortisone để đẩy nhanh quá trình chữa lành và giảm viêm
- Rạch, chọc hút mủ trong mụn
- Phẫu thuật mụn
Những điều bạn cần chú ý trong quá trình trị mụn
- Không nên tự ý nặn mụn, điều này có thể làm nhiễm trùng lây lan và dẫn đến sẹo.
- Làm sạch da mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ, không dùng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh.
- Nên gội đầu thường xuyên, tránh để tóc bết dính lên mặt, vệ sinh các dụng cụ thường xuyên tiếp xúc vói da mặt như chăn, màn, khăn mặt, gối ôm, mũ bảo hiểm, cọ trang điểm…
- Sử dụng kem dưỡng ẩm và mỹ phẩm có gốc nước và được dán nhãn “không gây mụn”, có nghĩa là những sản phẩm này sẽ không làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Sử dụng các loại mặt nạ giúp loại bỏ bã nhờn dư thừa.
- Tránh căng thẳng.
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng với nhiều trái cây tươi và rau quả, đặc biệt là những thực phẩm giàu vitamin C và beta carotene, giúp giảm viêm. Cũng có một số bằng chứng cho thấy ăn cá có thể giúp ích.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn nếu tình trạng mụn tiến triển, nếu tình trạng da của bạn nghiêm trọng hoặc nếu vẫn còn sẹo mụn.