Hiện nay, phương pháp tập Mewing đang trở nên rất phổ biến trên các trang mạng xã hội và đặc biệt là trong giới trẻ đang thịnh hành các video hướng dẫn cách đặt lưỡi chuẩn trong Mewing. Phương pháp này tuy đã được đưa vào nghiên cứu nhưng chưa thể chứng minh được tính hiệu quả, sự chính xác, thậm chí các trường hợp tập Mewing sai cách còn gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vậy tập Mewing có cải thiện được tình trạng khớp cắn ngược không? Cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Mục lục
Mewing là gì?
Mewing bản chất là tập cơ chức năng liên quan tới việc đặt lưỡi. Bài tập này rất đơn giản. Bạn chỉ cần đặt toàn bộ phần lưỡi lên vòm họng khi môi của bạn đang ở trạng thái nghỉ và hai hàm răng khít lại với nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý là hai hàm răng gần chạm nhau chứ không phải cắn chặt vào nhau. Một số người cho rằng phương pháp này có thể cải thiện đường thẩm mỹ jawline – đường viền hàm dưới, giúp jawline trở nên đẹp hơn, cân đối và sắc nét hơn. Ngoài ra, cằm và mũi cũng trở nên cao hơn nếu như chúng ta kiên duy trì bài tập và tập theo đúng hướng dẫn.
Bài tập này tuy không tốn nhiều sức lực nhưng thời gian đầu sẽ hơi mất thời gian để đặt lưỡi ở đúng vị trí trên vòm họng. Sau này, khi đã quen, não của bạn sẽ ghi nhớ vị trí đặt lưỡi và trở thành thói quen. Lời khuyên đưa ra là bạn hãy đặt và đẩy lưỡi trong trạng thái, tinh thần thoải mái, thư giãn nhất, không nên quá tập trung hay căng thẳng.
Có 2 kiểu tập Mewing chính:
- Soft Mewing có kỹ thuật cơ bản và nhẹ nhàng nhất. Bạn chỉ việc đặt lưỡi sao cho đúng vị trí ép vào vòm miệng trên là được.
- Hard Mewing là kỹ thuật tập luyện nâng cao hơn nhằm đạt được kết quả tốt nhất với thời gian nhanh nhất. Bạn cần tạo lực ép mạnh hơn lên lưỡi khi đặt ở vị trí chuẩn bằng cách nuốt nước bọt.
Với những ai mới bắt đầu với bộ môn này thì tốt nhất là nên tập Soft Mewing. Nếu bạn muốn tập nâng cao hơn thì cần có sự hướng dẫn cũng như theo dõi sát sao của người có kinh nghiệm và chuyên môn nếu không sẽ dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như lệch mặt, đau cơ hay xô lệch răng,…
Những tác dụng của tập Mewing mà nhiều người tập theo đã phản hồi lại:
- Nong rộng được cung hàm trên
- Tạo đường thẩm mỹ jawline
- Cải thiện phát âm rõ ràng hơn
- Chống ngủ ngáy
- Tập thở và nuốt đúng hơn
- Gương mặt thon gọn, thanh thoát hơn
- Điều trị viêm đau xoang
Nguồn gốc hình thành Mewing
Cha đẻ của phương pháp tập Mewing là Dr. John Mew. Con trai ông – Dr. Mike Mew cũng là một người thực hành trường phái Orthotropics đã tiếp nối cha phát triển về Mewing và up những video đầu tiên lên kênh youtube, phổ biến kỹ thuật này rộng rãi ra cộng đồng. Trường phái Orthotropics biết đến với các bài tập về tư thế của khuôn mặt và miệng giúp làm thay đổi cấu trúc xương, đường jawline đẹp hơn mà không cần phải nhờ tới sự can thiệp của phẫu thuật chỉnh hình.
Kỹ thuật này trở thành trào lưu trong giới trẻ vào năm 2018. Tuy nhiên lại không có bằng chứng khoa học nào chứng minh phương pháp này thật sự hiệu quả trong việc thay đổi khuôn mặt nhưng cũng không thể phủ nhận được sự hữu ích của Mewing trong việc loại bỏ các thói quen xấu nhờ việc tập thở, tập lưỡi và tập nuốt.
Năm 2010, Dr.John Mew bị hội đồng Nha Khoa Anh Quốc tước giấy phép hành nghề do ông có những lời chỉ trích và phản bác cực đoan về phương pháp điều trị chỉnh nha truyền thống, cổ vũ và áp dụng rộng rãi Mewing của mình mà không có cơ sở khoa học nào.
Tập Mewing có thực sự hiệu quả?
Xương hàm mặt không phải là một khối xương liền nhau mà do rất nhiều nhóm xương tách rời nhau tạo thành. Vì thế những thói quen hàng ngày trong cuộc sống như hít thở, cách đặt lưỡi, mút tay, ngủ ngáy đều sẽ tác động làm thay đổi cấu trúc khuôn mặt, ở mọi lứa tuổi.
Hiện nay hầu hết các kết quả, đánh giá sự hiệu quả của Mewing thường tới từ các hội nhóm Facebook, Twitter, thậm chí có nhiều bạn trẻ quay video hướng dẫn tập Mewing trên Tiktok cũng như chia sẻ những lợi ích mà Mewing mang lại.
Như đã nói ở trên, chưa có cơ quan khoa học hay tổ chức y tế nào đưa ra bằng chứng về sự hiệu quả của tập Mewing. Thậm chí có một số bài báo còn đề cập tới sự nguy hiểm của Mewing nếu tập sai cách.
Sự hiệu quả về thay đổi khuôn mặt, tạo form mặt hay cải thiện khớp cắn khoa học chưa chứng minh được nhưng cũng không thể phủ nhận Mewing sẽ giúp bạn khắc phục các thói quen xấu và luyện tập được cách thở, cách đặt lưỡi chuẩn hơn.
Do vậy nếu bạn đang gặp các vấn đề thiếu tự tin về răng hay khớp cắn, tốt nhất là bạn nên gặp bác sĩ chỉnh nha để được tư vấn về kỹ thuật niềng răng hay các biện pháp thẩm mỹ khác. Nếu áp dụng đúng cách, Mewing sẽ giúp bạn hạn chế khả năng bị hóp má hoặc thái dương khi niềng răng.
Tập Mewing không đúng cách mang lại hậu quả gì?
Mewing đang ngày càng phổ biến, được nhiều người ưa chuộng bởi những hiệu quả mà nó mang lại về thay đổi khuôn mặt, cải thiện cơ hàm,… Tuy nhiên nếu tập Mewing sai cách, không những không cải thiện được gì mà còn làm cho các khuyết điểm vốn có trở nên trầm trọng hơn. Những lỗi sai điển hình khi tập Mewing có thể kể tới như:
Cắn răng quá chặt, nghiến răng
Nghiến răng lúc bình thường cũng sẽ ảnh hưởng tới răng miệng, khiến răng bị mài mòn đi. Khi tập Mewing mà vẫn nghiến răng trong thời gian dài sẽ gây nguy hại tới khớp cắn, cơ mặt,…
Lưỡi chạm răng
Nếu bạn để lưỡi chạm vào răng hàm (hai bên viền lưỡi đều chạm răng hàm), tức là bạn đang tập Mewing sai cách. Nếu để đầu lưỡi chạm vào nhóm răng cửa hàm trên thì theo thời gian, bạn có thể sẽ bị hô.
Không đặt lưỡi dàn đều lên đỉnh hàm trên
Tập Mewing đúng cách là phải tối đa hóa diện tích bề mặt lưỡi tiếp xúc với đỉnh hàm trên. Có nghĩa là đầu lưỡi của bạn không được quá cong hay lui về quá sâu. Việc này hoàn toàn không có tác dụng và đôi khi còn gây ra phản ứng ngược.
Không ngậm môi và thở bằng miệng
Nhiều người tập Mewing mắc phải lỗi này, đặt lưỡi chuẩn nhưng lại quên không ngậm môi lại. Lâu dần môi sẽ có xu hướng bị vén lên cao, xương hàm thay đổi khiến khuôn mặt bị dài ra, cằm của bạn cũng bị nhỏ đi và làm cho các răng cửa không chạm nhau (khớp cắn hở).
Không giữ đúng tư thế của toàn bộ thân trên
Để không tập Mewing sai cách, bạn cần giữ thẳng lưng và để tầm mắt ở mức tự nhiên. Nếu đầu bạn đưa về phía trước thì lưỡi sẽ bị thụt sâu vào trong, thân lưỡi cũng không thể dâng lên cao được.
Để đường thở bị chặn
Ở một số người có đỉnh vòm hàm nhỏ, lõm dốc sâu vào trong thì việc đặt lưỡi chắc chắn sẽ chặn một phần đường thở. Mặc dù không phải do bạn tập Mewing sai cách nhưng hãy dừng Mewing lại bởi việc thở quan trọng hơn. Chỉ cần thở bằng mũi với môi và 2 hàm khép lại, lưỡi không chạm răng cửa, nhai nuốt đúng cách.
Ngoài ra, đường thở cũng bị chặn khi bạn để lưỡi quá sâu, thân, gốc lưỡi quá cao nên nếu bạn đang mắc phải lỗi này thì cần điều chỉnh lại ngay.
Nếu tập Mewing sai cách sẽ mang lại một số hậu quả sau:
Ảnh hưởng tiêu cực đến hình thể khuôn mặt
Tập Mewing sẽ tác động vào cơ mút. Nếu tập sai cách chắc chắn sẽ gây bất lợi cho nhóm cơ này, khiến 2 bên má phát triển không cân đối dẫn đến các vấn đề về hô hấp, nuốt, thở và đặc biệt biến chứng mặt lệch do cơ một bên to một bên nhỏ.
Thâm quầng mắt
Nghe có vẻ không liên quan nhưng đây chính xác là tác dụng ngược do tập Mewing sai cách. Nếu bạn cúi đầu hoặc để sai tư thế thì sẽ nhóm cơ đầu mặt sẽ bị mệt mỏi, từ đó xuất hiện quầng thâm mắt. Bạn nên lưu ý dấu hiệu này để có cách khắc phục kịp thời nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đau hàm
Tình trạng này sẽ dẫn đến việc ăn nhai kém hơn. Thậm chí là lười ăn, chán ăn, ngại ăn do nhóm cơ hàm mỏi và căng cứng hơn bình thường. Và điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe và tinh thần của bạn.
Phần hàm dưới bị yếu đi
Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới vùng cơ đầu cổ. Biểu hiện thường thấy nhất là khi ngủ dậy, bạn luôn cảm thấy đau cơ cổ. Nó sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe về lâu về dài.
Ngoài những hậu quả kể trên, nếu bạn tập Mewing trong thời gian dài mà không thấy cải thiện tích cực. Thay vào đó, các khuyết điểm của khuôn mặt lại trở nên trầm trọng hơn thì bạn hãy xem lại bài tập của mình. Nếu không các phương pháp điều trị y tế cũng sẽ khó khăn hơn.
Khớp cắn ngược có nên tập Mewing không?
Mewing hoàn toàn không có tác dụng trong các trường hợp sau:
- Bạn gặp vấn đề về khớp cắn như khớp cắn ngược (sai khớp cắn loại 3), khớp cắn sâu, khớp cắn hở,…thì Mewing hoàn toàn không cải thiện được và cũng không có bất kỳ tác dụng nào trong việc đưa khớp cắn trở lại đúng vị trí.
- Răng mọc khấp khểnh, lệch lạc, hô, móm, chìa,… Trường hợp này tập Mewing cũng sẽ không làm cho răng dịch chuyển về đúng vị trí trên cung hàm mà cần can thiệp các phương pháp như niềng răng, bọc sứ,…
- Chưa có bằng chứng khoa học cụ thể nào chứng minh tập Mewing sẽ nong rộng được cung hàm. Từ đó những chiếc răng khôn có thêm khoảng trống để mọc đúng vị trí trên cung hàm mà không còn mọc lệch hay mọc nghiêng nữa. Điều này là hoàn toàn không có cơ sở. Nếu răng khôn gây ra cho bạn những cơn đau nhức kéo dài, kèm theo viêm nhiễm thì hãy tới nha khoa để tiến hành nhổ bỏ.
- Nếu cơn đau khớp thái dương hàm kéo dài do khớp cắn sai lệch khiến bạn khó khăn khi ăn nhai thì đừng kỳ vọng nhiều phương pháp Mewing sẽ chấm dứt được cơn đau này.
Như vậy, khớp cắn ngược không nên tập Mewing bởi phương pháp này sẽ không giúp ích được gì cho bạn, ngược lại còn có thể gây ra những hậu quả không đáng có.
Phương pháp nào tối ưu hơn giúp điều chỉnh khớp cắn ngược?
Nếu bạn gặp phải tình trạng khớp cắn ngược thì nên đi chụp phim X-quang để xác định chính xác nguyên nhân là vì đâu. Nếu nguyên nhân do răng thì phương pháp tối ưu nhất là niềng răng. Bạn có thể lựa chọn chỉnh nha bằng mắc cài hoặc khay niềng trong suốt Invisalign. Độ tuổi niềng răng tốt nhất là từ 11 – 16 tuổi bởi đây là độ tuổi vàng, dễ dàng nắn chỉnh khung răng và mang lại hiệu quả cao nhất. Thời gian niềng răng trung bình sẽ kéo dài từ 1,5 – 2 năm. Lưu ý thời gian này với mỗi người là khác nhau, nó còn tùy thuộc vào từng cơ địa và mức độ sai lệch khớp cắn như thế nào.
Với những người bị khớp cắn ngược do xương hàm dưới quá phát triển khiến cằm bị đưa ra ngoài thì cần phẫu thuật chỉnh hình mới có thể cải thiện được khớp cắn và chức năng ăn nhai. Tuy nhiên không phải ai cũng thực hiện được phương pháp này. Bạn phải trên 18 tuổi để đảm bảo xương ngừng tăng trưởng và những sai lệch khớp cắn sau khi phẫu thuật không còn nữa.
Với trường hợp bị khớp cắn ngược do cả xương và răng thì cần kết hợp cả phẫu thuật chỉnh hàm và niềng răng để mang lại hiệu quả tốt nhất. Trước tiên, bạn sẽ được đeo niềng để nắn chỉnh lại khớp cắn, đưa răng về đúng vị trí. Sau đó tiến hành chỉnh hình để đưa hàm dưới sát khít lại với hàm trên.
Tập Mewing không thể biến đổi toàn bộ khuôn mặt. Hiện nay nhiều người vẫn cho rằng tập Mewing sẽ có khuôn mặt đẹp mà quên mất sự lành mạnh trong chế độ ăn, tập thể dục toàn thân, rèn luyện để có một tinh thần thoải mái cũng quan trọng không kém. Nếu có các biểu hiện của khớp cắn ngược thì tốt nhất bạn nên tới các cơ sở nha khoa để được tư vấn, thăm khám và có những phương pháp khắc phục phù hợp nhất. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích cho bạn.
Tham khảo từ: Niengkhongnhorang.vn