Theo thống kê của tạp chí Người cao tuổi Singapore, cứ 5 người cao niên lại có 1 người gặp phải các cơn đau nhức xương khớp. Đau nhức xương khớp ở người già là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm chức năng và tàn tật ở người cao niên. Hãy tìm hiểu để quan tâm đúng mức tới căn bệnh này và kịp thời chăm sóc sức khỏe xương khớp.
Mục lục
Các chuyên gia đều đồng ý rằng, bệnh xương khớp là một trong những vấn đề phổ biến nhất ở người cao tuổi. Theo thống kê, phụ nữ có thể bắt đầu thấy dấu hiệu đau khớp do lão hóa sau 50 tuổi, còn đàn ông thì trước 45 tuổi.
Đây là tình trạng lão hóa tự nhiên của cơ thể, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nó có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, như:
Té ngã. Người già bị bệnh khớp có nguy cơ té ngã cao hơn người trẻ 2,5 lần. Hậu quả để lại là chấn thương, tàn tật, thậm chí là tử vong. Hơn nữa, do việc té ngã nhiều lần, người già sẽ gặp tâm lý ngại di chuyển, hoạt động, khiến tình trạng bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.
Suy giảm chất lượng cuộc sống. Do tình trạng đau nhức, nhiều người cao niên bị suy giảm khả năng thực hiện các hoạt động bình thường, như: thay quần áo, nấu ăn, dọn dẹp, đi vệ sinh,… Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của họ và người thân.
Mất ngủ. Người già vốn là đối tượng dễ bị rối loạn giấc ngủ. Khi gặp các cơn đau nhức, họ lại càng khó ngủ hơn. Việc thiếu ngủ sẽ tàn phá cơ thể rất nghiêm trọng, như gây rối loạn tâm lý, gây bệnh tim mạch, làm tăng huyết áp, làm suy giảm trí nhớ, trầm cảm,…
Tăng cân. Bệnh đau nhức xương khớp khiến người già ngại vận động, không muốn tham gia vào các hoạt động thể thao. Điều này có thể khiến họ tăng cân và làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, thừa cân cũng dẫn đến tăng nguy cơ biến chứng khác, chẳng hạn: bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch,…
Trầm cảm. Các cơn đau xương khớp ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của người bệnh. Theo thống kê, hơn 40% người bị bệnh xương khớp có dấu hiệu trầm cảm gia tăng. Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm, nó làm người bệnh thay đổi cách suy nghĩ, hành động, gây ra một loạt các vấn đề thể chất và cảm xúc. Thậm chí, còn có thể làm người bệnh suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
Tàn phế. Nếu không được điều trị đúng, bệnh khớp có thể tiến triển thành mãn tính, gây đau đớn, rối loạn chức năng, khớp bị biến dạng (sai lệch, rút ngắn,…), lâu dần dẫn tới tàn phế.
Các biến chứng khác: chết xương, gãy xương, nhiễm trùng khớp, suy thoái gân và dây chằng quanh khớp,…
Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi không nắm bắt được đúng mức độ nguy hiểm của căn bệnh này và nghĩ rằng đó là một phần của lão hóa. Vì thế họ âm thầm chịu đựng và trì hoãn điều trị. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm.
Nguyên nhân bệnh
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh đau nhức xương khớp ở người già. Về cơ bản, chúng được chia thành:
- Nguyên nhân không do bệnh lý: lão hóa, chấn thương, thừa cân, chế độ sinh hoạt không tốt, thay đổi thời tiết, di truyền
- Nguyên nhân do bệnh lý: Viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, loãng xương, thấp khớp,…
Lão hóa
Hệ thống xương khớp được cấu thành từ xương, cơ, khớp, gân, dây chằng… Ở hai đầu của mỗi xương là một lớp sụn mịn cùng các mô mềm (màng hoạt dịch) tạo ra dịch khớp. Nhờ có sụn và màng hoạt dịch, xương của bạn được đệm và bôi trơn để chúng không cọ sát vào nhau, khớp có thể di chuyển linh hoạt và tải trọng lượng của bạn.
Khi bạn già đi, sụn dần hao mòn theo năm tháng; các màng bảo vệ và dịch khớp bắt đầu khô lại và ít được tiết ra hơn. Những thay đổi này làm xương cọ sát vào nhau, gây ra đau đớn.
Chấn thương
Đau nhức xương khớp ở người già cũng có thể do các chấn thương làm ảnh hưởng tới xương khớp, như: tai nạn giao thông, ngã,…
Thừa cân
Nếu người già bị thừa cân, hoặc do thời trẻ phải làm các công việc gây nhiều áp lực lên khớp (mang vác nặng, ngồi máy khâu, vận hành máy móc,…) thì về già sẽ rất dễ mắc các bệnh xương khớp, đặc biệt là khớp gối, lưng.
Chế độ sinh hoạt không tốt
Nếu từ thời trẻ, bạn ăn uống không đủ chất (đặc biệt thiếu canxi, omega-3); thường xuyên sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, ma túy,…); ít vận động cơ thể thì các khớp của bạn sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng. Về già, nguy cơ mắc bệnh xương khớp sẽ tăng lên.
Thay đổi thời tiết
Thay đổi thời tiết (từ nóng sang lạnh, hanh khô sang ẩm ướt,…), nhất là thời điểm giao mùa ở miền Bắc, người già sẽ rất dễ gặp các vấn đề sức khỏe, một trong số đó là bệnh đau nhức xương khớp.
Di truyền
Nếu trong họ hàng của bạn có người bị bệnh về xương khớp, bạn có khả năng cao cũng mắc các căn bệnh này.
Do các bệnh lý ở khớp
Có hơn 200 bệnh lý xương khớp có thể gây ra tình trạng đau khớp, cứng khớp, biến dạng khớp. Trong đó, một số bệnh lý xương khớp phổ biến ở người già là:
- Thoái hóa khớp
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh gút
- Thoát vị đĩa đệm
- Loãng xương
- Hội chứng dải chậu chày
- Nhuyễn hoá sụn mặt khớp xương bánh chè
- Đau thần kinh tọa
- .v.v.
Triệu chứng thường gặp
Đỏ, sưng, nóng khớp. Nếu khớp bị nhiễm trùng sẽ gặp triệu chứng này.
Đau ở một hoặc nhiều khớp bất kì. Đặc điểm của các cơn đau là khởi phát đột ngột hoặc âm ỉ, dai dẳng. Theo thời gian, mức độ đau ngày càng tăng lên, tần suất xuất hiện nhiều hơn, đôi khi chỉ cử động rất nhẹ cũng gây đau đớn.
Tê buốt tay, chân. Khiến cho việc đi lại, cầm nắm trở nên khó khăn.
Cứng khớp. Triệu chứng này thường xuất hiện sau khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc ngồi lâu một chỗ. Phải mất thời gian xoa bóp, làm nóng mới hoạt động bình thường được.
Khớp phát ra tiếng lạo xạo. Khi khớp đã bị bào mòn, các khớp trở nên lỏng lẻo hơn. Khi người bệnh di chuyển, các khớp sẽ va chạm vào nhau, phát ra tiếng lạo xạo.
Biến dạng khớp. Theo thời gian, nếu bệnh không được điều trị có thể dẫn đến biến dạng khớp, khớp hóp vào trong hay lệch lạc.
Triệu chứng khác. Khớp trở nên xanh xao, các đường gân hiện lên rõ, sờ vào thấy lạnh. Người bệnh luôn mệt mỏi, cơ thể suy nhược.
Đau nhức xương khớp ở người già có chữa được không?
Đau nhức xương khớp ở người già là bệnh có thể điều trị được.
Đối với nguyên nhân không do bệnh lý, người bệnh có thể bằng cách thay đổi thói quen, lối sống, giảm cân, điều trị các chấn thương.
Đối với đau khớp do bệnh lý (thấp khớp, viêm xương khớp, viêm gân, viêm bao hoạt dịch…), phần lớn bệnh không có cách để điều trị dứt điểm. Nhưng việc điều trị sẽ giúp giảm đau và duy trì chức năng lâu dài, hạn chế tàn phế. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể sinh hoạt như người bình thường.
Phương pháp điều trị đau nhức xương khớp ở người già gồm:
- Điều trị không dùng thuốc
- Điều trị dùng thuốc
- Phẫu thuật
Tùy vào tình trạng bệnh cũng như sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Giảm đau nhức xương khớp ở người già
Điều trị không dùng thuốc
Tìm hiểu về bệnh
Khi mắc bất cứ một căn bệnh gì, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ về nó để tránh những quan niệm sai lầm hoặc chán nản trong quá trình điều trị. Việc tìm hiểu có thể là từ sách báo, các website uy tín hoặc hỏi chính bác sĩ điều trị của bạn.
Tham khảo:9 xét nghiệm kiểm tra sức khỏe tổng quát nên thực hiện
Giữ cân nặng hợp lý
Thừa cân là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau nhức xương khớp ở người già. Vì thế, nếu đang béo phì, bạn nên thực hiện một kế hoạch giảm cân lành mạnh. Có thể nhờ sự tư vấn từ bác sĩ để có được kết quả tốt hơn.
Thể thao phù hợp
Vận động là một trong những phương pháp giúp tăng cường sức khỏe xương khớp cực kì hiệu quả. Trong đó, một số bộ môn có lợi cho khớp là: yoga, khiêu vũ, bơi lội, đi bộ, đạp xe,…
Vật lý trị liệu
Đây là các phương pháp được bác sĩ khuyến khích áp dụng cho người cao tuổi. Bạn có thể thực hiện các bài tập này tại nhà hoặc dưới sự hỗ trợ của một chuyên gia vật lý trị liệu.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Đây là điều quan trọng cần làm nếu bạn muốn có một sức khỏe tốt. Song song với đó, bạn nên chú ý bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, omega-3, vitamin K, các chất chống oxy hóa.
Sử dụng các công cụ hỗ trợ
Các công cụ hỗ trợ được chứng minh là có thể làm giảm tải trọng lên các khớp và cải thiện các cơn đau mãn tính. Chúng bao gồm: nẹp đầu gối, tay áo cao su, nạng chống,…
Thuốc trị đau nhức xương khớp cho người già
Thuốc điều trị đau nhức xương khớp cho người già được chia thành 3 loại cơ bản:
- Thuốc uống. Acetaminophen; NSAID (thuốc chống viêm không steroid), thuốc opioid, Duloxetine
- Thuốc bôi. Capsaicin, NSAID tại chỗ,
- Tiêm nội khớp. Tiêm steroid, tiêm Hyaluronic (HA), tiêm tế bào gốc, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu.
Nếu phải dùng thuốc, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để hiểu đầy đủ về công dụng, cách sử dụng cũng như tác dụng phụ của từng loại. Trong quá trình sử dụng thuốc, hãy tuân thủ theo phác đồ điều trị, những chỉ định trong việc dùng thuốc và tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc hay tăng liều,… Ngoài ra, hãy theo dõi các tác dụng phụ của thuốc, nếu gặp phải cần liên hệ ngay với bác sĩ.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được coi như là cách cuối cùng, khi việc sử dụng các phương pháp khác không còn mang lại hiệu quả nữa. Các thủ tục phẫu thuật khác nhau được thực hiện tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh và tuổi của bệnh nhân. Một số phương pháp phẫu thuật xương khớp ở người già là:
- Cắt xương chày cao
- Nội soi khớp
- Phẫu thuật thay thế khớp
Kết luận
Đau nhức xương khớp là bệnh thường gặp ở người già và có thể điều trị được. Tuy nhiên, bệnh nhân cần chủ động trong việc nhận biết sớm các triệu chứng để chẩn đoán kịp thời. Bởi nếu trì hoãn điều trị, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng.
Đọc bài viết khác: