Biểu hiện tính cách của con người rất phức tạp. Không có mấy ai là người hướng nội hoặc hướng ngoại hoàn toàn mà cách phân loại nhóm tính cách hầu như chỉ dựa trên những đặc điểm tiêu biểu. Vậy với những đặc điểm nào thì bạn được xếp vào nhóm hướng ngoại? Bài viết hôm nay sẽ tìm hiểu kỹ hơn những dấu hiệu của người hướng ngoại? Qua đó bạn có thể biết được mình có thuộc tuýp người hướng ngoại hay không?
Mục lục
- Những dấu hiệu của người hướng ngoại
- Người hướng ngoại thích nói chuyện
- Người hướng ngoại sôi nổi, thích hoạt động xã hội
- Người hướng ngoại thân thiện, cởi mở và dễ tiếp cận
- Người hướng ngoại thích nói ra
- Người hướng ngoại không thích không gian một mình
- Người hướng ngoại thích làm việc nhóm
- Người hướng ngoại thích trở thành trung tâm của sự chú ý
- Người hướng ngoại thường ưa thích thể thao mạo hiểm
- Người hướng ngoại thích lãnh đạo
- Người hướng ngoại có xu hướng hành động trước khi suy nghĩ
- Những ưu điểm và nhược điểm của người hướng ngoại
Những dấu hiệu của người hướng ngoại
Khái niệm hướng ngoại trong tính cách của một người muốn ám chỉ năng lượng người đó thu hút từ bên ngoài, từ mọi người xung quanh. Đối lập với người hướng nội, năng lượng họ có được từ chính nội tâm của mình. Có thể hình dung qua ví dụ đơn giản sau một ngày làm việc căng thẳng, người hướng ngoại chọn 1 “party” với tiếng nhạc xập xình cùng bạn bè. Thay vào đó, người hướng nội lắc đầu và trở về với căn phòng nhỏ, đốt nến thơm, tắm rửa thoải mái và thưởng thức chút nhạc nhẹ nhàng.
Người hướng ngoại thích nói chuyện
Đặc điểm nổi bật của người hướng ngoại là nói khá nhiều, họ thích trò chuyện với mọi người, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cả những người xa lạ.
Người hướng ngoại là tuýp người hoạt ngôn khi có thể nói mà không mất nhiều thời gian suy nghĩ xây dựng một kịch bản trong đầu. Đó là một điểm mạnh tuyệt vời cho người hướng ngoại khả năng trình bày, diễn thuyết tự nhiên, linh hoạt trước đám đông và dễ dàng tỏa sáng.
Ngoài ra việc thích nói chuyện với người khác có thể giúp người hướng ngoại xây dựng hình tượng thân thiện, dễ gần, tạo sự liên kết với người xung quanh.
Người hướng ngoại sôi nổi, thích hoạt động xã hội
Như đã nói ở trên, người hướng ngoại nhận được năng lượng tích cực từ đám đông. Chuyện thường thấy khi những người hoạt bát trong các bữa tiệc, các hoạt động xã hội là những người hướng ngoại.
Đối với người hướng ngoại thì càng đông càng vui, những người xa lạ có thể trở nên thân quen thông qua mối quen biết chung với người hướng ngoại. Chính bởi tính cách sôi nổi, yêu thích kết nối mà mạng lưới bạn bè của người hướng ngoại vô cùng phong phú và rộng rãi.
Người hướng ngoại thân thiện, cởi mở và dễ tiếp cận
Nhờ vào khả năng giao tiếp, kết bạn và sự cởi mở thích chia sẻ, việc tiếp cận người hướng ngoại khá đơn giản và nhanh chóng. Họ có thể làm bạn với nhiều nhóm người đến từ nhiều độ tuổi, từ nhiều kiểu tính cách, cấp bậc địa vị và mọi người đều rất yêu quý họ.
Người hướng ngoại thích nói ra
Đối với những vấn đề khúc mắc cần giải quyết, người hướng ngoại chọn nói ra. Đó có thể là những quan điểm trong công việc, những muộn phiền trong cuộc sống, việc được nói ra với người khác khiến người hướng ngoại thoải mái hơn. Trong khi đó, nếu là người hướng nội, họ thường có xu hướng giữ lại và tự nghiền ngẫm những suy nghĩ đó. Đặc điểm này khiến người hướng ngoại được cho là có tinh thần tích cực, vui vẻ hơn.
Người hướng ngoại không thích không gian một mình
Khác với người hướng nội cảm thấy được sạc pin khi ở một mình. Người hướng nội cảm thấy bứt rứt, buồn chán và cô đơn khi ở một mình. Họ ưa xê dịch, thích những cuộc khám phá, trải nghiệm thay vì ở yên một chỗ. Nếu không có người để nói chuyện hay cùng đi ra ngoài, người hướng ngoại sẽ cập nhật trạng thái hoặc “upload story” trên mạng xã hội thường xuyên. Đó là biểu hiện khao khát được kết nối với thế giới bên ngoài của người hướng ngoại.
Người hướng ngoại thích làm việc nhóm
Điều dễ hiểu là quá trình làm việc nhóm khiến họ được tiếp xúc với nhiều người. Làm việc nhóm thỏa mãn nhu cầu được kết nối, chia sẻ quan điểm, giao tiếp… của người hướng ngoại với người khác. Hơn nữa, người hướng ngoại khó khăn khi đưa ra quyết định một mình và cần đến sự tham khảo ý kiến từ các thành viên trong nhóm.
Người hướng ngoại thích trở thành trung tâm của sự chú ý
Cả người hướng nội hay hướng ngoại đều có những nét tính cách khiến họ trở nên thu hút. Nhưng ở người hướng ngoại, bạn không mất quá nhiều thời gian để bị thu hút mà có thể cảm nhận được ngay. Bởi vì người hướng ngoại thích nổi bật và bản chất tính cách của họ cũng tỏa ra năng lượng sôi động ngay từ lần gặp đầu tiên.
Người hướng ngoại thường ưa thích thể thao mạo hiểm
Có thể không phải là tất cả, những người hướng ngoại thường khá yêu thích những môn thể thao vận động mạnh hoặc tốc độ cao. Họ dường như không quá hứng thú với những môn thiền định, yoga đòi hỏi sự tập trung và tĩnh tâm trong một thời gian dài. Người hướng nội cũng ưa trải nghiệm và khám phá những thứ mới mẻ, cuộc sống đối với họ luôn đầy màu sắc và xê dịch.
Người hướng ngoại thích lãnh đạo
Bản chất của người hướng ngoại có nhiều yếu tố tiềm năng trở thành người lãnh đạo trong một nhóm như giao tiếp tốt, nổi bật, thích thảo luận vấn đề và tương tác với mọi người. Không ngạc nhiên khi những nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới là những người có xu hướng tính cách hướng ngoại.
Người hướng ngoại có xu hướng hành động trước khi suy nghĩ
Không giống như người hướng nội cần phân tích suy nghĩ khá lâu trước một vấn đề, người hướng ngoại lại có xu hướng thực hiện ngay. Về cơ bản là phản ứng hành động của người hướng ngoại khá nhanh và đôi khi có phần nóng vội, hấp tấp.
Những ưu điểm và nhược điểm của người hướng ngoại
Ưu điểm của người hướng ngoại
Luôn tự tin trong mọi tình huống: Những người hướng ngoại thường tồn tại sự tự tin không che giấu khi họ sẵn sàng đối diện với những vấn đề mang tính thách thức.
Tỏa ra năng lượng tích cực: Khi ở gần những người hướng ngoại, dường như bạn cũng được truyền cảm hứng sôi nổi và nhiệt huyết từ họ và thôi thúc hành động hơn. Chính vì vậy, những người hướng ngoại dễ dàng trở thành người truyền động lực và cảm hứng cho người khác.
Cơ hội phát triển bản thân trong các lĩnh vực ngoại giao, giao thiệp: Những nghề nghiệp đòi hỏi tính hướng ngoại như ngoại giao, bán hàng, truyền thông… sẽ giúp người hướng ngoại có cơ hội thể hiện bản thân và dễ thành công.
Làm việc nhóm hiệu quả: Do người hướng ngoại biết cách thể hiện bản thân và thường có quan hệ tốt với người khác nên thường được yêu thích và đánh giá cao trong tổ chức, nơi văn phòng.
Với khả năng hình thành mối liên kết với người khác, người hướng ngoại dễ dàng vượt qua thử thách làm việc nhóm và gặt hái được thành công.
Ý tưởng của người hướng ngoại cũng dễ dàng được đón nhận trong nhóm hơn khi họ có thể diễn đạt vấn đề một cách trôi chảy, dễ hiểu.
Nhược điểm của tính cách hướng ngoại
Gặp khó khăn khi phân tích, suy nghĩ một mình: Có điểm mạnh ắt sẽ có điểm yếu, người hướng ngoại không mạnh trong việc tập trung suy nghĩ và đưa ra giải pháp một mình, để yên tâm hơn họ muốn tổng hợp ý kiến từ nhiều người.
Cảm xúc dễ bị chi phối bởi đám đông: Họ dễ vui vẻ khi được đám đông tán thưởng và ngược lại buồn bã thất vọng khi không được công nhận. Điều đó khiến việc kiểm soát cảm xúc của bản thân của người hướng ngoại nhiều khó khăn.
Các mối quan hệ rộng nhưng có thể thể không sâu: Mối quan hệ xã hội của người hướng ngoại rộng khắp nhưng đôi khi đạt được hiệu quả về số lượng. Để có một mối quan hệ sâu sắc đòi hỏi chúng ta phải dành thời gian lâu dài. Hơn hết, người hướng ngoại không phải lúc nào cũng cố để xây dựng mối quan hệ thân thiết với mọi người.
Họ dễ cảm thấy chán: Mặc dù luôn hào hứng với mọi thứ ngay lúc đầu nhưng người hướng ngoại lại rất nhanh chán và muốn tìm kiếm sự mới mẻ. Vì vậy, ở bên họ bạn có thể phải cố gắng để bắt nhịp với họ.
Những hiểu lầm về người hướng ngoại
Người hướng ngoại sẽ không cô đơn
Dù biết rằng bao quanh người hướng ngoại luôn luôn có những người bạn nhưng sự cô đơn đôi khi không đến từ việc ở một mình. Chắc hẳn ai cũng có lúc cảm thấy cô đơn ngay cả khi đang ở giữa một đám đông náo nhiệt. Người hướng ngoại cũng vậy, dù được bao quanh bởi nhiều người cũng có lúc cần một người thực sự thấu hiểu mình.
Người hướng ngoại tự cao
Tuy là người thích sự chú ý và được tán dương, nhưng không đồng nghĩa với việc người hướng ngoại luôn cho mình là nhất. Ngược lại, người hướng ngoại hòa đồng và thích giúp đỡ người khác nhiều hơn.
Người hướng ngoại không có lúc trầm cảm, buồn bã
Năng lượng tích cực là điều bạn luôn cảm nhận được ở người hướng ngoại. Nhưng bất kỳ ai cũng có thể suy sụp tinh thần khi gặp những chuyện không vui, quan trọng là cách mỗi người điều chỉnh cảm xúc, khôi phục tinh thần sau mỗi biến cố.
Người hướng ngoại 100% tự tin
Người hướng ngoại tự tin là sự thật, tuy nhiên họ cũng có những nỗi ám ảnh bản thân khó nói ra. Người hướng ngoại không phải lúc nào cũng hiểu biết tất cả, họ cũng cần học hỏi từ mọi người, Vì vậy, có những lúc không rõ về vấn đề gì họ cũng sẽ bất an, lo lắng như bao người khác.
Người hướng ngoại dễ dàng kết bạn với tất cả mọi người
Có một điều thú vị là người hướng ngoại thường thấy khó khăn khi làm quen với người hướng nội. Những người hướng nội thường cẩn trọng và ít chia sẻ nên không dễ dàng tiếp cận.
Người hướng ngoại nói nhiều mà không biết lắng nghe
Đây cũng là một hiểu lầm thường thấy khi nói về người hướng ngoại. Để trở thành một người giao tiếp tốt, lắng nghe là kỹ năng không thể thiếu. Người hướng ngoại hiểu cần lắng nghe đối phương kỹ càng để nhận được sự phản hồi và ấn tượng tốt từ họ.
Nhìn chùng, không có mẫu người nào hướng nội hoặc hướng nội hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bạn sở hữu nhiều trong số đặc điểm kể trên, khả năng cao bạn thuộc nhóm người hướng ngoại. Người hướng ngoại thường có cuộc sống khá thành công trên nhiều phương diện, tuy nhiên, để đạt được điều đó, họ cũng cần có những đặc điểm tính cách tốt đẹp của người hướng nội để trở nên toàn diện hơn.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã nắm được những đặc điểm, dấu hiệu của người hướng ngoại để dễ dàng nhận diện tích cách của một người và có cách cư xử phù hợp.